In order to ensure the highest quality of our services, we use small files called cookies. When using our website, the cookie files are downloaded onto your device. You can change the settings of your browser at any time. In addition, your use of our website is tantamount to your consent to the processing of your personal data provided by electronic means.
Back

Bài viết của Thủ tướng nước Cộng hòa Ba Lan Mateusz Morawiecki "5 bài học sau một năm chiến tranh"

24.02.2023

Chúng ta phải làm mọi điều để có thể đảm bảo rằng cơn ác mộng địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21 cuối cùng cũng phải kết thúc.

Prime Minister of of Poland Mateusz Morawiecki

Cách đây đúng một năm, vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga đã tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, phá vỡ trật tự đã được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh. An ninh và thịnh vượng đạt được nhờ sự nỗ lực của các thế hệ người châu Âu đang trên bờ vực sụp đổ. Nga đã bắt tay vào cuộc chinh phục đế quốc của mình với một mục tiêu duy nhất: tái thiết lại phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ bất chấp cái giá phải trả và các nạn nhân liên quan đến nó. Chúng ta phải làm mọi điều để có thể đảm bảo rằng cơn ác mộng địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21 cuối cùng cũng phải kết thúc.

Tình hình hiện tại ra sao? Chúng ta đã chứng kiến 12 tháng tàn ác chưa từng có của Nga. Những tháng được tính bằng các vụ đánh bom thường xuyên vào trường học, bệnh viện và các tòa nhà dân sự. Chúng không được tính theo ngày mà theo số nạn nhân. Người Nga không thương tiếc một ai, tàn sát cả đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em. Các hành vi diệt chủng ở Bucha, Irpin và các thị trấn khác đã cung cấp bằng chứng rùng rợn rằng Nga đã phạm những tội ác khủng khiếp nhất. Những ngôi mộ tập thể, phòng tra tấn, hãm hiếp và bắt cóc - đây là bộ mặt thật của sự xâm lược của Nga.

Nhưng đây cũng là một năm của chủ nghĩa anh hùng vĩ đại của quốc gia Ukraine do Volodymyr Zelensky lãnh đạo, một quốc gia đã đứng lên chống lại đế chế tà ác của Nga. Một năm của niềm tin, sự kiên trì và quyết tâm. Ukraine đang chiến đấu không chỉ vì chủ quyền của mình mà còn vì an ninh của toàn lục địa.

Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn cuộc chiến này? Năm vừa qua đã dạy cho chúng ta nhiều bài học quan trọng mà các nước phương Tây cần ghi nhớ nếu họ thực sự muốn sống trong hòa bình và an ninh.

 

Bài học 1. Chiến tranh liên quan đến tất cả chúng ta

Chúng ta cần bắt đầu bằng cách loại bỏ hình ảnh sai lầm về cuộc xâm lược của Nga. Đây không phải là một cuộc xung đột cục bộ. Nga tìm cách khiến châu Âu chìm trong lửa giận. Mục đích của họ là làm mất ổn định toàn bộ trật tự của nền kinh tế toàn cầu.

Việc xâm lược Ukraine là một phần trong kế hoạch đã được ấp ủ từ lâu và đã được Putin thực hiện trong ít nhất một thập kỷ. Ngay từ năm 2008, trong cuộc xâm lược Gruzia của Nga, Tổng thống Lech Kaczyński đã đưa ra lời cảnh báo này: “Chúng tôi biết rất rõ rằng, hôm nay, Gruzia đang bị đe dọa, ngày mai có thể là Ukraine, ngày sau là các nước vùng Baltic và sau đó có thể đất nước của tôi, Ba Lan”. Những lời này đã trở thành sự thật sớm hơn châu Âu dự kiến. Sáu năm sau, vào năm 2014, Nga sáp nhập Crimea. Hôm nay, tất cả chúng ta đang chứng kiến một cuộc tấn công quân sự toàn diện chống lại Ukraine. Tương lai sẽ ra sao nếu chúng ta không ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga?

Ở khoảng cách hàng trăm cây số, người ta không thể nghe thấy tiếng đạn nổ, tiếng còi phòng không hay tiếng khóc của những bậc cha mẹ vừa mất đứa con thân yêu trong một trận bom. Nhưng khoảng cách với Kiev không nên được tận dụng để xoa dịu lương tâm của chúng ta. Đôi khi, tôi sợ rằng, phương Tây thực sự là nơi sinh sống của nhiều người mà đối với họ, việc ăn trưa trong một quán cà phê yêu thích hoặc xem một bộ phim trên Netflix quan trọng hơn sự sống chết của hàng nghìn người Ukraine. Tất cả chúng ta đều có thể thấy chiến tranh đang diễn ra. Không ai có thể tuyên bố rằng họ không biết về nạn diệt chủng ở Bucha. Tất cả chúng ta đang theo dõi sự tàn bạo của quân đội Nga. Đây là lý do tại sao chúng ta không được thờ ơ. Các kế hoạch đế quốc của Nga vượt ra ngoài Ukraine. Cuộc chiến này liên quan đến tất cả chúng ta.

 

Bài học 2. Nga đã thổi bùng lên khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một trong những mặt trận diễn ra cuộc chiến vì tương lai của châu Âu. Nga cũng đang tấn công nền văn minh của chúng ta trong các lĩnh vực không gian mạng, thông tin và kinh tế. Carl von Clausewitz từng nói rằng chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác. Rõ ràng, Vladimir Putin đã hiểu rất rõ câu ngạn ngữ nổi tiếng đó. Mátxcơva điều chỉnh các kỹ thuật gây hấn với kẻ thù mà họ phải đối mặt. Putin không thể chinh phục châu Âu bằng quân sự trước khi phá hủy nền kinh tế của họ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát toàn cầu mà tất cả chúng ta đang vật lộn có nguồn gốc từ cuộc xâm lược đế quốc của Nga. Tiền thân của cuộc xâm lược Ukraine là chính sách khí đốt diều hâu của Điện Kremlin vào tháng 7 và tháng 8 năm 2021. Vào thời điểm đó, việc tống tiền khí đốt của Putin đã khiến giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng vọt. Đây chỉ là sự khởi đầu.

Nga hy vọng rằng sự tê liệt của ngành năng lượng sẽ làm suy yếu các nước châu Âu và thuyết phục họ tránh xa cuộc chiến ở Ukraine. Ngay từ đầu, chiến lược được sử dụng để chống lại phương Tây là leo thang khủng hoảng. Hoạt động quân sự của Nga là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá toàn cầu. Tất cả chúng ta đang phải trả giá đắt cho những quyết định được đưa ra ở Điện Kremlin. Đã đến lúc chúng ta hiểu rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do Nga thúc đẩy.

 

Bài học 3. Phi Putin hóa là điều kiện tiên quyết cho chủ quyền của châu Âu

Trong vài năm nay, điểm yếu của phương Tây đã trở thành điểm mạnh của Nga. Sự phụ thuộc vào hydrocarbon của Nga, các giao dịch đáng ngờ với các nhà tài phiệt Nga và sự nhượng bộ hoàn toàn khó hiểu mà châu Âu đã đưa ra, bao gồm cả những nhượng bộ liên quan đến việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 – tất cả những điều đó đã vẽ nên một bức tranh về mối quan hệ bệnh hoạn giữa phương Tây và Nga. Nhiều chính phủ châu Âu tin rằng họ có thể ký kết các hợp đồng hoàn toàn bình thường với Mátxcơva. Trên thực tế, các hợp đồng hóa ra chính là sự giao ước với Ác quỷ, nơi linh hồn của châu Âu đang bị đe dọa.

Đây là lý do tại sao việc quay trở lại “công việc kinh doanh như bình thường” là không thể. Người ta không thể bình thường hóa quan hệ với một chế độ tội phạm. Đã đến lúc châu Âu độc lập khỏi Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Ba Lan từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và khí đốt. Nguồn mới của các sản phẩm này mở ra cơ hội mới. Phi-Putin hóa, tức là cắt đứt quan hệ với bộ máy bạo lực độc tài do Putin tạo ra, là điều kiện thiết yếu đối với chủ quyền của châu Âu.

 

Bài học 4. Đoàn kết mạnh hơn nỗi sợ hãi

Chiến tranh đã thay đổi châu Âu. Xâm lược Ukraine, Nga hy vọng rằng phương Tây sẽ không thức dậy sau giấc ngủ địa chính trị mà họ đã rơi vào nhiều năm trước khi ngây thơ tin vào huyền thoại “lịch sử kết thúc”. Nga đã tính toán sai. Họ muốn chia rẽ chúng ta, nhưng chúng ta trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết.  

Giống như bất kỳ chế độ toàn trị nào khác, vũ khí mạnh nhất của Kremlin là sự sợ hãi. Chúng ta phải chống lại các mối đe dọa và tống tiền của Nga bằng sự đoàn kết. Sự giúp đỡ dành cho Ukraine đã đến từ mọi nơi trên thế giới dưới dạng thực phẩm, vật tư và vũ khí. Những gì chúng ta mang lại cho Ukraine là hy vọng và cơ hội chiến thắng.

Việc Đức chấp thuận gửi xe tăng Leopard tới Ukraine - một sự chấp thuận mà Ba Lan kêu gọi - có tầm quan trọng lớn ở đây. Chúng tôi đã biết rằng các phương tiện do Đức sản xuất sẽ đi kèm với xe tăng Abrams của Mỹ. Cuối cùng, những tính toán lạnh lùng đã bị gạt sang một bên để ủng hộ lý do tồn tại của châu Âu-Đại Tây Dương. NATO đã chứng minh rằng bên cạnh việc là liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, họ còn thực sự đoàn kết. Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng cái ác. Đoàn kết mạnh hơn nỗi sợ hãi.

 

Bài học 5. Tái thiết lại Ukraine và củng cố châu Âu

Thắng lợi trong cuộc chiến chống lại Nga đang đến gần hơn không chỉ nhờ những thành công của quân đội Ukraine, mà còn do gấu Nga đã bị các lệnh trừng phạt làm suy yếu. Chúng ta mắc nợ phương Tây điều này, họ đã thành lập một liên minh mạnh mẽ vì tự do. Tuy nhiên, đánh bại Nga trong cuộc đấu tranh hiện tại là không đủ. Để chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng ta cần xây dựng một cấu trúc an ninh hoàn toàn mới cả về chính trị và kinh tế.

Điều gì sẽ làm nên những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà chung châu Âu của chúng ta? An ninh là kết quả của sự thống nhất dựa trên các giá trị và lợi ích chung và được củng cố bởi các mối quan hệ kinh tế và xã hội mạnh mẽ. Chúng ta sẽ không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế với ngọn lửa chiến tranh ngay trước cửa châu Âu.

Chúng ta đang đối mặt với hai viễn cảnh về tương lai của châu Âu. Hoặc Ukraine chiến thắng và có hòa bình trên lục địa, hoặc người chiến thắng là Nga và chủ nghĩa đế quốc của Putin được tự do mở rộng. Nếu Ukraine chiến thắng, chúng ta cần bắt đầu nghĩ về một sự thay đổi mô hình trong chính trị châu Âu ngay cả ngày nay. Ý tưởng về một cộng đồng an ninh và hòa bình hiện là mô hình phát triển khả thi duy nhất.

Đúng một năm sau khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta có một mục tiêu chung cần đoàn kết theo đuổi: tái thiết Ukraine và củng cố châu Âu.

 

Mateusz Morawiecki

Thủ tướng nước Cộng hòa Ba Lan. Thành viên của nhóm đàm phán các điều kiện để Ba Lan gia nhập EU. Tốt nghiệp ngành Lịch sử tại Đại học Wrocław và Quản trị Kinh doanh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Wrocław và Đại học Central Connecticut State.

 

Bài viết đã được xuất bản với sự cộng tác của tờ nguyệt san Ba Lan “Wszystko co Najważniejsze” như một phần của dự án lịch sử liên quan đến Viện Tưởng niệm Quốc gia và Quỹ Quốc gia Ba Lan.

{"register":{"columns":[]}}