Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng
22.08.2022
Vào ngày 22 tháng 8 năm 2022, Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, được thành lập bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc và sáng kiến của Ba Lan, đã được tổ chức lần thứ tư. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan, GS. Zbigniew Rau đã công bố một bài báo trên các phương tiện truyền thông nước ngoài được chọn lọc tóm tắt những mối đe dọa và thách thức chính mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt liên quan đến tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Bài báo của Bộ trưởng Zbigniew Rau nhân dịp Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng
Vác sa va, ngày 22 tháng 8 năm 2022
Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi Liên bang Nga thực hiện hành động gây hấn vô cớ và phi lý đối với Ucraine, những cảnh tượng bi thảm về sự tổn thương, nỗi đau và sự chịu đựng của hàng trăm nghìn người dân Ucraine đang diễn ra trước mắt chúng ta mỗi ngày. Tấn thảm kịch về cuộc tị nạn của hàng triệu thường dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cũng như sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh nhắc nhở chúng ta về những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử gần đây nhất của châu Âu và thế giới.
Sự gây hấn của Nga mang theo sự hủy diệt khôn lường. Các hoạt động quân sự được tiến hành với chủ đích đầy đủ, nhằm vào các mục tiêu phi quân sự, như các cơ sở di sản văn hóa và những nơi thờ tự tôn giáo của Ucraine. Một trong những biểu tượng của những hành động man rợ này là tu viện Świętogórska Lavra ở Donetsk Oblast, miền đông Ucraine, đang bốc cháy. Đây là địa điểm cực kỳ quan trọng đối với chính thống giáo. Những ghi chép đầu tiên về sự tồn tại của Lavra có từ thế kỷ 17. Sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Lavra trở thành nơi ẩn náu của thường dân - khách hành hương và giáo sĩ, người già, người khuyết tật và trẻ em. Điều đó cũng không ngăn cản được đội quân Nga nã súng tàn bạo vào khu vực nhà thờ. Kết quả của cuộc tấn công, một số tòa nhà của tu viện đã bị phá hủy, ẩn thất bằng gỗ của All Saints - nhà thờ bằng gỗ lớn nhất ở Ucraine từ đầu thế kỷ 20 - đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Swietogórska Lavra là một trong nhiều minh chứng sâu sắc về những nỗ lực của Nga nhằm phá hủy các địa điểm tôn giáo của Ucraine. Các nhà thờ Chính thống giáo ở Mariupol và xung quanh Kiev, hay trung tâm văn hóa Hồi giáo ở Severodonetsk, cũng trở thành mục tiêu. Số phận tương tự cũng đã xảy ra với các nghĩa trang và đài tưởng niệm, trong đó có cả những nghĩa trang từ thời Thế chiến II, đã bị tàn phá và miệt thị. Sự phá hủy tàn bạo những địa điểm liên quan đến bản sắc, kể cả tín ngưỡng, đang xảy ra đối với người dân Ucraine bất kể nguồn gốc hay tôn giáo của họ.
Chúng ta cần phải ý thức được rằng, sự đàn áp của Nga đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Ucraine đã bắt đầu từ khá lâu trước khi cuộc xâm lược hiện nay bắt đầu. Sau khi Liên bang Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014, sự phân biệt đối xử vì lí do tôn giáo đã ảnh hưởng một cách đau thương tới người Tatar Crimea bản địa sống ở đó. Các quyền và tự do của họ đã bị chính quyền chiếm đóng của Nga vi phạm một cách có hệ thống. Có những hành vi giam giữ, tước quyền được xét xử công bằng hoặc bị bỏ tù vì lí do chính trị hoặc do bị cáo buộc là chủ nghĩa cực đoan hoặc khủng bố, do thuộc nhóm dân tộc và tôn giáo Tatar. Các tổ chức của người Tatar, chẳng hạn như chính quyền địa phương Mejlis, đã bị cấm, còn các thành viên của họ bị đàn áp. Sự ngược đãi và sách nhiễu cũng ảnh hưởng đến đại diện của các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Crimea bị chiếm đóng, bao gồm Nhân chứng Giê-hô-va và tín đồ của các nhà thờ Tin lành.
Các cuộc đàn áp tôn giáo liên tục xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, nơi các cuộc xung đột được thúc đẩy bởi chủ nghĩa chính thống tôn giáo và hận thù sắc tộc. Những hành động bạo lực trắng trợn cũng thường xuyên xảy ra - chẳng hạn như trong các cuộc tấn công đẫm máu vào Nhà thờ Công giáo St. Francis Xavier ở Owo, tây nam Nigeria, nơi có khoảng 40 người chết vào ngày 5 tháng 6 năm nay, Chủ nhật Lễ Ngũ tuần. Có khi đó lại là những cuộc đàn áp có hệ thống đối với toàn bộ các nhóm tôn giáo - như trường hợp ở Afghanistan do Taliban cai trị hoặc chống lại cộng đồng người Yazidi ở Iraq đang trải qua bạo lực dưới bàn tay của những kẻ khủng bố Hồi giáo.
Tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người. Bản chất của nó là quyền tự do công nhận một tôn giáo mà bạn lựa chọn, thay đổi tôn giáo hoặc không công nhận bất kỳ tôn giáo nào, và quyền thể hiện quan điểm tôn giáo của bạn. Đó là một quyền phổ quát mà mọi người đều được hưởng, và nó không thể chuyển được - không ai có thể bị buộc phải chấp nhận hoặc từ bỏ một niềm tin tôn giáo nhất định. Không ai bị phân biệt đối xử dựa trên niềm tin của họ.
Quảng bá tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách đối ngoại của Ba Lan trong lĩnh vực nhân quyền. Theo sáng kiến của Ba Lan vào năm 2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì lí do trên Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng sẽ được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8.
Các đối tác của Ba Lan trong việc thực hiện sáng kiến này là các quốc gia ưu tiên ủng hộ tự do tôn giáo. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia mà chúng tôi hợp tác chặt chẽ nhất trong lĩnh vực này. Cũng chính các nước của chúng tôi, cùng với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế thường niên về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng được khởi xướng vào năm 2019 - các cuộc họp toàn cầu của đại diện các chính phủ, xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo của các tín ngưỡng khác nhau.
Chúng tôi - những người Ba Lan đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề này. Chúng tôi nhớ về Thế chiến II và những gì đã xảy ra trên mảnh đất của chúng tôi. Chúng tôi muốn thế giới học hỏi từ những sai lầm của mình và để những thảm kịch như vậy không lặp lại. Tôi tin rằng, nhờ những nỗ lực chung - cả trong nước và trên các diễn đàn quốc tế - chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình và sẽ không bao giờ phải nhìn thấy những bức tranh như bức tranh Swietogórska Lavra đang bốc cháy nữa.
Dịch sang tiếng Việt: Nguyen Thi Huong Giang